Cách ăn uống và tác động của vi khuẩn đường ruột tới sức khoẻ

Bên trong đường ruột của chúng ta là hàng ngàn tỷ vi sinh vật, trong đó có vi khuẩn, nấm và virus.

Số lượng vi sinh vật trong đó, chủ yếu là ở đại tràng, gần bằng số lượng tế bào trong toàn bộ cơ thể. Nhưng chỉ có từ 10% đến 20% số vi khuẩn chúng ta có trong đường ruột là giống với những người khác.

Những hệ vi sinh vật này khác biệt rất lớn từ người này đến người khác, tùy thuộc vào cách ăn uống, lối sống và các nhân tố khác, và chúng ảnh hưởng đến mọi thứ từ sức khỏe cho đến khẩu vị, cân nặng và tâm trạng.

Tuy nhiên, mặc dù là một trong những bộ phận cơ thể được nghiên cứu nhiều nhất, vẫn còn một chặng đường dài để có thể hiểu đầy đủ đường ruột của chúng ta.

BBC Future xem qua một số phát hiện trong khoa học cho đến nay.

Cách Ăn Uống

Cách ăn uống của chúng ta có ảnh hưởng rất lớn đến hệ vi sinh đường ruột.

Các nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa cách ăn uống của người phương Tây, chủ yếu là nhiều protein và mỡ động vật, và ít chất xơ, với việc sản xuất ra càng nhiều hợp chất gây ra ung thư và sự viêm tấy.

Ngược lại, ẩm thực ở vùng Địa Trung Hải, vốn rất giàu chất xơ và ít thịt đỏ, được xác định là có tác dụng chống viêm tấy và cải thiện hệ miễn dịch.

Các nhà khoa học hy vọng rằng nghiên cứu trên toàn bộ người dân sẽ thúc đẩy những phát hiện hiện nay.

Một trong những dự án như thế, dự án Nghiên cứu Đường ruột Mỹ vốn hiện vẫn đang được tiến hành, đang thu thập và so sánh hệ vi khuẩn đường ruột của hàng ngàn người sinh sống ở Mỹ.

Cho đến nay, các nghiên cứu cho thấy những người có khẩu phần ăn gồm nhiều thực phẩm từ thực vật thì có hệ vi khuẩn đa dạng hơn và ‘hết sức khác biệt’ với những ai ăn ít rau củ, ông Daniel McDonald, giám đốc khoa học của dự án, nói.

“Chúng tôi chưa thể nói mỗi kiểu ăn uống là lành mạnh hay không lành mạnh, nhưng chúng tôi thấy rằng những ai có khẩu phần ăn giàu hoa quả và rau củ thì có hệ vi khuẩn rất khỏe mạnh,” ông giải thích.

Tuy nhiên, ông McDonald cũng nói thêm rằng hiện vẫn chưa rõ liệu chúng ta chuyển đổi một cách triệt để từ cách ăn uống nhiều rau củ sang cách ăn uống có ít thực phẩm lành mạnh liệu có làm thay đổi hệ vi khuẩn hay không và bằng cách nào.

Vi Khuẩn Có Ích

Đã có rất nhiều những lời tán dương về lợi ích cho sức khỏe của probiotics (vi khuẩn có ích) và prebiotics (là chất xơ hoà tan, thức ăn cho vi khuẩn có ích) trong những năm qua.

Tuy nhiên, trong khi chúng được sử dụng ngày càng nhiều trong các cách điều trị một số bệnh, gồm cả bệnh viêm loét đại tràng, thì có một số bản đánh giá cho rằng cần phải có thêm nghiên cứu xem chủng vi khuẩn có ích nào là có lợi, và sử dụng chúng với liều lượng như thế nào mới có hiệu quả.

Eran Elinav, nhà miễn dịch học tại Viện Khoa học Weizmann của Israel, mới đây đã phát hiện ra được một số người miễn nhiễm đối với vi khuẩn có ích – mặc dù ông chỉ tiến hành một nghiên cứu tương đối nhỏ và sẽ cần có thêm các nghiên cứu nữa mới có thể cho ra những câu trả lời cụ thể.

Ông đã cấy vào 25 người khỏe mạnh 11 chủng vi khuẩn có ích, và kiểm tra hệ vi khuẩn cùng chức năng đường ruột của họ trước và ba tuần sau khi cấy.

Getty Images
Ở một số người, các vi khuẩn có ích được hệ vi khuẩn tại chỗ chào đón và có thể cư trú, sinh sôi trong đường ruột, nơi các vi khuẩn có ích làm thay đổi hệ vi khuẩn

“Những người này có thể được chia làm hai nhóm – ở nhóm thứ nhất, các vi khuẩn có ích được hệ vi khuẩn tại chỗ chào đón và có thể cư trú, sinh sôi trong đường ruột, nơi các vi khuẩn có ích làm thay đổi hệ vi khuẩn.”

“Nhóm thứ hai là nhóm kháng khuẩn. Trong nhóm này, vi khuẩn có ích không thể xâm nhập vào và không làm gì được cả,” ông nói.

Các nhà nghiên cứu có thể dự đoán một người nằm trong nhóm chào đón hay kháng cự bằng cách xem xét các đặc điểm của hệ vi khuẩn của họ.

Elinav nói rằng những phát hiện của ông cho thấy cần phải cụ thể hóa vi khuẩn có ích theo nhu cầu của từng cá nhân.

Sức Khỏe

Hệ vi khuẩn đường ruột có vai trò quan trọng trong sức khỏe và chức năng của đường ruột. Có những bằng chứng cho thấy các chứng bệnh như hội chứng ruột kích thích thường trùng hợp với tình trạng hệ vi khuẩn bị biến đổi.

Hệ vi khuẩn đường ruột có thể đóng vai trò to lớn hơn trong sức khỏe chúng ta và điều này phần lớn được định hình trong một vài năm đầu đời.

Hệ vi khuẩn của chúng ta bắt đầu hình thành khi chúng ta sinh ra, khi các vi khuẩn bắt đầu cư trú trên đường ruột.

Những đứa trẻ sinh thường có số lượng vi khuẩn đường ruột cao hơn những đứa trẻ sinh mổ, bởi các bé trong quá trình chào đời đã tiếp xúc với vi khuẩn âm đạo và vi khuẩn ruột của người mẹ, bà Lindsay Hall, phụ trách công tác nghiên cứu về hệ vi khuẩn tại Viện Sinh học Quadram, giải thích.

“Những trẻ sinh mổ mất cơ hội nhiễm khuẩn đầu tiên đó, và một số vi khuẩn mà chúng tiếp xúc là từ da và môi trường,” bà Hal nói thêm.

“Điều này rất quan trọng giúp trẻ phát triển hệ miễn dịch. Các công trình gần đây cho thấy sự xáo trộn trong hệ vi khuẩn đường ruột đầu đời sẽ có hậu quả tiêu cực đến sức khỏe các bé,” bà nói.

“Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy sinh mổ ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài, và có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy nó dẫn đến nguy cơ cao bị mắc các chứng dị ứng và hệ sinh thái yếu ớt hơn, có nghĩa là bạn sẽ dễ bị ảnh hưởng trước những thay đổi và xáo trộn, chẳng hạn như kháng sinh.”

“Tuy nhiên, không có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy khác biệt này có ý nghĩa cụ thể như thế nào đối với hệ miễn dịch.”

Ngoài ra cũng có sự khác biệt trong hệ vi khuẩn của những trẻ em được cho bú bằng sữa mẹ và trẻ uống sữa công thức.

Bifidobacterium, một nhóm các vi khuẩn có liên quan đến sức khỏe, thường được tìm thấy ở đường ruột của những em bé được nuôi bằng sữa mẹ.

“Chúng ta biết rằng Bifidobacterium có khả năng tiêu hóa những thành phần được tìm thấy trong sữa mẹ. Những thành phần này không thường được tìm thấy trong sữa công thức. Đó là lý do tại sao trẻ em được nuôi bằng sữa công thức có ít vi khuẩn loại này,” Hall nói.

Getty Images
Kết quả nghiên cứu cho thấy cần phải cụ thể hóa vi khuẩn có ích theo nhu cầu của từng cá nhân

Các nhà khoa học đang tiến gần hơn tới khả năng hiểu rõ được cách thức sử dụng đường ruột để chữa bệnh.

Một trong những liệu pháp chữa trị mới nhất trong lĩnh vực này là cấy hệ vi khuẩn trong phân: hệ vi khuẩn của một người khỏe mạnh được cấy vào đường ruột người bệnh.

Quy trình này được sử dụng để chữa trị bệnh nhiễm khuẩn đường ruột do vi khuẩn clostridium difficile ở những bệnh nhân lờn kháng sinh, vốn có thể gây tiêu chảy.

Mặc dù không có bằng chứng kết luận về cơ chế hoạt động của nó, người ta tin rằng việc cấy có thể làm đầy hệ vi khuẩn trở lại với các loại vi khuẩn đa dạng, giúp đẩy lùi các vi khuẩn có hại.

Vấn đề lớn đặt ra đối với cách làm này là xác định thế nào là hệ vi khuẩn đường ruột bình thường.

“Chúng tôi vẫn chưa xác định được thế nào là bình thường cũng như thế nào là bình thường cho mỗi cá nhân. Nó tùy thuộc vào sắc tộc, môi trường và những thứ khác mà cơ thể họ trải qua,” Fiona Pereira, người đứng đầu bộ phận chiến lược và phát triển kinh doanh cho Khoa Phẫu thuật và Ung thư tại Đại học Imperial College London, vốn giám sát các nghiên cứu về mối quan hệ giữa các ăn uống và hệ vi khuẩn, nói.

Pereira nói rằng một khi các nhà khoa học nắm biết, hiểu rõ được thế nào là hệ vi khuẩn lành mạnh trong các nhóm sắc tộc và tuổi tác khác nhau, thì họ có thể phác nên thông tin của một người và xem đường ruột của họ khác biệt như thế nào, nó có liên quan đến những yếu tố nào – đó có thể là cách ăn uống, môi trường, hay xu hướng dễ mắc một số chứng bệnh do di truyền.

Kháng Sinh

Giới khoa học đã hiểu rất rõ rằng kháng sinh có thể làm thay đổi triệt để hệ vi khuẩn đường ruột.

Ruột là một môi trường mà ở đó các vi khuẩn có ích và có hại tiếp xúc rất gần gũi với những mầm bệnh chỉ chực chờ có cơ hội là gây ra nhiễm trùng, ông Willem van Schaik, giáo sư tại Đại học Birmingham và nhà nghiên cứu dẫn đầu của một công trình mới nhận dạng hơn 6.000 gien kháng kháng sinh trong các mầm bệnh, nói.

Ông phát hiện rằng hầu hết những mầm bệnh này không gắn kết với ADN vốn có thể luân chuyển giữa các vi khuẩn, và điều đó có nghĩa là sẽ không có nguy cơ nhãn tiền về việc những gien này lây lan từ vi khuẩn thường sang các mầm bệnh.

Tuy nhiên, nhiều gien trong số các gien này, vốn được cho là gắn bó với một số môi trường vi khuẩn nhất định, thì có thể bắt đầu lan rộng do tình trạng lạm dụng kháng sinh. Việc này gây áp lực lên các gien đề kháng khu trú bên trong một tế bào vi khuẩn đơn nhất, khiến cho chúng trỗi dậy.

Những phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh về việc các gien đề kháng có nhiều tới đâu trong hệ vi khuẩn, và chúng có thể bị huy động để trở thành những mầm bệnh khi có cơ hội thuận lợi như thế nào. Chúng nên được xem là một lời cảnh báo rằng có rất nhiều những gien như thế mà chúng ta không muốn chúng trỗi dậy,” van Schaik nói.

Não Bộ

Não và ruột có hệ thống liên lạc hai chiều mạnh mẽ được gọi là trục não-ruột. Mỗi cơ quan đều thiết yếu với cơ quan kia – các nghiên cứu cho thấy não phát triển bất thường nếu không có hệ vi khuẩn đường ruột.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây nói rằng khoa học vẫn chưa hình dung ra chính xác hệ vi khuẩn đường ruột nào có vai trò thiết yếu đối với sự phát triển não.

Các tìm hiểu sâu hơn đã phát hiện ra ruột và não, bao gồm tâm trạng và sức khỏe tâm lý, gắn kết với nhau chặt chẽ thế nào, bà Katerina Johnson, nhà nghiên cứu về trục hệ vi khuẩn-ruột-não ở Đại học Oxford, nói.

Getty Images

“Nghiên cứu cho thấy nếu chúng ta lấy hệ vi khuẩn đường ruột của người bị trầm cảm, cấy nó vào ruột của chuột thì những con chuột này sẽ có thay đổi trong hành vi và tâm lý đặc trưng của chứng trầm cảm,” bà cho biết.

Hệ vi khuẩn đường ruột có thể tạo ra hầu hết những chất truyền dẫn thần kinh ở não người, bao gồm serotonin vốn có trò quan trọng trong việc điều chỉnh trạng thái.

Người ta hy vọng rằng các nhà khoa học sẽ sớm có thể hiểu được cách sử dụng hệ vi khuẩn để tạo ra chất dẫn thần kinh nhằm chữa trị những chứng rối loạn tâm thần có liên quan đến hệ vi khuẩn, bao gồm bệnh Parkinson’s và bệnh đa xơ cứng.

Hành Vi

Chúng ta cũng đã bắt đầu hiểu sơ qua làm thế nào hệ vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng hành vi.

Getty Images

Chẳng hạn như một số nghiên cứu, chủ yếu được tiến hành trên động vật, cho thấy một số chủng vi khuẩn nhất định có thể tác động lên sinh hóa não và hành vi, khiến cho động vật gắn kết với đồng loại nhiều hơn.

Trái lại, những động vật không tiếp xúc với vi khuẩn đã thể hiện sự thiếu gắn kết với đồng loại và các nhà nghiên cứu phát hiện rằng điều này có thể được khôi phục bằng cách bổ sung một số vi khuẩn cụ thể như Lactobacillus, vốn thường có trong sữa chua, theo bà Johnson.

Một công trình mới có tựa đề là ‘Tại sao hệ vi khuẩn ảnh hưởng hành vi?’ xem xét giả thiết rằng hệ vi khuẩn đường ruột đã tiến hóa đến mức có thể thao túng vật chủ để thủ lợi bằng cách khiến cho vật chủ tiếp xúc với đồng loại nhiều hơn để chúng có thể lây lan.

Tuy nhiên, luận văn này lập luận rằng đây là giả thiết khó xảy ra và những thay đổi hành vi có thể là phụ phẩm của những quá trình giúp vi sinh vật phát triển và cạnh tranh trong đường ruột, chẳng hạn như lên men.

Tương Lai

Khoa học vẫn chưa kết luận một vi khuẩn lành mạnh thì trông thế nào, và có lẽ cũng còn lâu nữa mới đi đến một kết luận nào đó.

Tuy nhiên, có sự đồng thuận ngày càng tăng là các yếu tố môi trường, chẳng hạn như cách ăn uống và kháng sinh, sẽ ảnh hưởng tới vi khuẩn trong cơ thể chúng ta nhiều hơn là gien của chính chúng ta, và trong cơ thể càng có nhiều loại vi khuẩn đa dạng thì càng tốt.

Và trong lúc này, hầu hết các khoa học gia đều khuyên rằng ăn nhiều rau củ quả sẽ tốt cho sức khoẻ chúng ta.

 

Không khí ô nhiễm ‘có thể gây béo phì’

Hãy hít thật sâu, và thở ra. Tuỳ thuộc vào nơi bạn sống, luồng không khí đó có thể khiến bạn bị béo phì và tiểu đường.

Ý kiến cho rằng ‘không khí’ có thể khiến bạn bị mập nghe có vẻ như thật là kỳ lạ, tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy điều này là có thể.

Hai người có thể ăn cùng thức ăn, tập luyện cùng các bài tập, nhưng trong thời gian vài năm, một người có thể bị béo phì và trao đổi chất không bình thường – do không khí xung quanh nơi họ sống.

Khí thải từ các phương tiện công cộng và khói thuốc lá là những yếu tố gây quan ngại hàng đầu, bởi các hạt nhỏ tí hon xả ra từ đó có thể gây sưng tấy bên trong cơ thể và làm ngăn khả năng tiêu thụ năng lượng của cơ thể.

Mặc dù các tác động về ngắn hạn là khá nhỏ, nhưng trong suốt một đời người thì điều này có thể đủ để góp phần gây ra những căn bệnh nghiêm trọng khác bên cạnh các căn bệnh về đường hô hấp liên quan đến khói bụi.

“Chúng tôi bắt đầu hiểu rằng việc hít phải khí độc hại vào cơ thể có thể gây tác động tới nhiều thứ khác nữa chứ không chỉ riêng gì phổi,” Hong Chen, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Cộng đồng Ontario và Viện khoa học Nghiên cứu Lâm sàng ở Canada, nói.

Không khí ‘bẩn’ gây tác hại tới nhiều bộ phận cơ thể

Bằng chứng từ các thí nghiệm này đáng tin tới đâu? Và liệu bạn có nên lo ngại hay không?

      

Các thí nghiệm được thực hiện trên chuột mang lại những bằng chứng rõ ràng nhất về tác động của ô nhiễm không khí đối với các bộ phận cơ thể khác ngoài phổi.

Quinghua Sun từ Đại học bang Ohio đã tìm hiểu xem vì sao những cư dân sống ở thành phố lại dễ bị bệnh tim hơn ở nông thôn.

Tất nhiên, phong cách sống là một lý do. Ở hầu hết các thành phố lớn, hệ thống các cửa hàng bán đồ ăn nhanh hiện diện khắp nơi, và điều này có thể dẫn tới thói quen ăn thức ăn không tốt cho sức khoẻ.

Tuy nhiên, ông vẫn suy nghĩ liệu vấn đề có đang nằm ở không khí mà chúng ta hít thở hàng ngày hay không.

Để hiểu hơn về điều này, ông đã nuôi chuột thí nghiệm trong những môi trường tương ứng với các thành phố khác nhau.

Một số con chuột được hít không khí sạch, còn một số khác thở những không khí thường có trên các đường cao tốc hoặc ở các trung tâm thành phố.

Nhóm nghiên cứu của Sun cân các con chuột và thực hiện các biện pháp kiểm định khác nhau để xem liệu quá trình trao đổi chất ở các con chuột này hoạt động ra sao.

Chỉ sau 10 tuần, kết quả đã được thể hiện rõ ràng:

Những con chuột sống trong môi trường ô nhiễm không khí có tỷ lệ mỡ trong người tăng cao, ở cả phần bụng cũng như các cơ quan nội tạng khác.

Các tế bào mỡ tăng hơn 20% ở những con chuột phải hít thở không khí ô nhiễm.

Bên cạnh đó, chúng còn trở nên kém nhạy cảm hơn với insulin – hormone truyền đi tín hiệu để yêu cầu các tế bào chuyển đổi đường trong máu thành năng lượng – bước đầu tiên dẫn đến bệnh tiểu đường.

Cơ chế chính xác vẫn là điều gây bàn cãi, nhưng những thí nghiệm trên chuột cho thấy ô nhiễm môi trường gây ra hàng loạt tác động với cơ thể.

Các vi hạt, nhỏ hơn 2,5 micrometre, được cho là nguyên nhân chính.

Khi chúng ta hít vào, không khí ô nhiễm sẽ tác động đến túi khí nhỏ cho phép oxygen đi tiếp vào máu.

Kết quả là phổi có phản ứng gấp, khiến hệ thống thần kinh của chúng ta bị rối loạn.

Điều này bao gồm việc giải phóng các hormone vốn có thể làm giảm lượng insulin và đẩy máu ra khỏi các mô cơ nhạy cảm trước insulin, khiến cơ thể không thể kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu.

Các hạt nhỏ này còn tạo ra một lượng lớn các phân tử gây sưng tấy gọi là ‘cytokines’ trong máu, khiến cho các tế bào miễn dịch xâm lấn ngay cả các mô khoẻ mạnh.

Không những điều này cũng tác động tới khả năng phản ứng trước insulin của các mô, tình trạng bị sưng tấy còn có thể tác động tới hormone và quy trình hoạt động trong não, Michael Jerrett từ Đại học Calirfonia, Berkeley nói.


Các nghiên cứu lớn hơn từ nhiều thành phố trên thế giới cho thấy con người có thể gánh chịu hậu quả tương tự.

Chen đã theo dõi hồ sơ y tế của 62.000 người ở Ontario, Canada, trong 14 năm.

Ông nhận ra rằng nguy cơ bệnh tiểu đường tăng 11% nếu một mét khối khí chứa 10 microgram hạt bụi, một thống kê đáng giật mình, vì ô nhiễm ở một số thành phố châu Á có thể lên tới mức ít nhất là 500 microgram trên một mét khối.

Một nghiên cứu của Thuỵ Sỹ cũng tìm thấy những dấu hiệu cơ bản của tình trạng kháng lại insulin.

‘Không khí ô nhiễm gây béo phì ở trẻ em’

Các nhà khoa học đã quan tâm đặc biệt tới hiệu ứng đối với trẻ em. Và chúng ta biết rằng người mẹ, nếu phải tiếp xúc với không khí ô nhiễm, cũng có thể tác động đến quá trình trao đổi chất của con, và khiến chúng dễ béo phì.

Một trong các nghiên cứu của Andrew Rundle từ Đại học Columbia đã được thực hiện trên các trẻ em lớn lên tại Bronx.

Trong thời gian có bầu, mẹ của những đứa bé này đeo trên người một cái túi đo chất lượng không khí trong lúc vẫn thực hiện các sinh hoạt thường nhật. Trong bảy năm tiếp theo, sức khoẻ của các bà mẹ đó sẽ được theo dõi liên tục.

Kết quả, sau khi đã tính đến các yếu tố khác như sức khoẻ và chế độ ăn uống của từng trường hợp, cho thấy những đứa trẻ sống trong các vùng ô nhiễm dễ trở nên béo phì hơn gấp 2,3 lần so với các vùng trong lành hơn.

Jerrett thì ghi nhận việc các rủi ro có thể đến từ bên ngoài hoặc ngay bên trong nhà: việc cha mẹ hút thuốc, ông nói, có thể làm các trẻ em và thiếu niên ở California bị tăng cân.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá bị ám ảnh trước những số liệu này.

“Chúng chỉ nêu lên mối liên hệ giữa việc phải tiếp xúc với bầu không khí ô nhiễm và tác động của việc đó, chứ không chứng minh được là yếu tố này dẫn tới yếu tố kia,” Abby Fleish từ Trường Y thuộc Đại học Harvard nói.

Tuy nhiên, nghiên cứu của bà cũng cho kết quả phù hợp với xu hướng chung: trong sáu tháng đầu đời, trẻ sơ sinh là con của các bà mẹ sống ở các khu vực ô nhiễm thường tăng cân nhanh hơn so với ở các vùng trong lành hơn.

Bà cũng nhấn mạnh rằng chúng ta không thể chắc rằng đã không bỏ sót một số yếu tố khác, ngoài tình trạng ô nhiễm, vốn có thể giúp giải thích mối liên quan rõ ràng.

Rất may là một số nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm những thông tin còn thiếu để chúng ta có được những nghiên cứu chi tiết hơn.

Robert Brook từ Đại học Michigan và các đồng nghiệp ở Trung Quốc đã thử nghiệm trong thời gian hai năm với một nhóm nhỏ các đối tượng ở Bắc Kinh.

Họ nhận thấy rằng mỗi khi bầu không khí ô nhiễm bao phủ thành phố, các dấu hiệu như kháng insulin và tăng huyết áp tăng cao – cho thấy bằng chứng rõ ràng về việc chất lượng không khí có tác động trực tiếp đến những thay đổi trong quá trình trao đổi chất.


Vậy nếu mối liên quan này được chứng minh, liệu chúng ta có cần phải lo lắng không?

Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng đối với từng cá nhân thì các nguy cơ phát sinh trong thời gian ngắn hạn là tương đối nhỏ, và những người béo phì không thể lấy chuyện ô nhiễm môi trường làm lý do biện minh cho tình trạng béo phì của mình.

Tuy nhiên, đối với những người sống dài hạn ở các thành phố bị ô nhiễm, tác động sẽ là rất lớn, Brook nói.

“Việc phải tiếp xúc bắt buộc với bầu không khí ô nhiễm đang diễn ra một cách liên tục đối với hàng tỷ người, cho nên mức độ ảnh hưởng sẽ là rất lớn.”

Giải pháp thường rất đơn giản nhưng khó thực hiện: Ngăn chặn khí thải từ phương tiện giao thông bằng các khuyến khích xe chạy điện.

Về ngắn hạn, ông tin rằng những máy lọc không khí cần được đặt ở nhà, trường học và văn phòng để lọc ra những hạt độc hại.

Brook đồng ý rằng các hành động cần được thực hiện ở cấp quốc tế, cả ở những nơi đang phát triển lẫn ở các thành phố như Paris, London, nơi có vẻ như đã kiểm soát được tình trạng ô nhiễm.

“Ở Bắc Mỹ và châu u, mức độ ô nhiễm đang được kiểm soát đúng hướng, nhưng chúng ta không được ngủ quên trên chiến thắng,” ông nói.

“Nếu nói đến việc cải thiện chất lượng sức khoẻ cho con người trên toàn cầu, đây phải là một trong 10 điều chúng ta cần quan tâm nhất.

Nguồn: BBC

Sán lợn ai cũng sợ nhưng hỏi thật nhé: Bạn có biết sán lợn thực sự là gì không?

Dù ai cũng lo sợ nhiễm phải sán lợn, nhưng nếu biết các sự thật về loài vật này, bạn sẽ còn thấy “rùng mình” hơn nữa.

Những ngày gần đây, ai ai cũng đang lo sợ trước thông tin sán lợn xuất hiện khắp các vùng miền và tỉnh thành. Theo thống kê mới nhất, những ca nhiễm sán lợn đã xuất hiện trên ít nhất 55 tỉnh thành, gây hoang mang cực độ cho dư luận.

Nhưng hỏi thật nhớ, bạn có biết sán thực sự là con gì không? Hóa ra, có rất nhiều sự thật về sán mà dám chắc bạn chưa nghe bao giờ đâu.

1. Sán có “cái đầu bất trị”

Con người thích gọi những sinh vật có thân hình dài, mảnh là giun, bởi vậy mà đa số vẫn luôn coi giun sán là tên chung cho giống loài ký sinh này.

Nhưng kỳ thực thì chúng rất khác nhau. Giun – dù là ký sinh hay không thường có thân hình tròn, trong khi sán có thân dẹt. Và ngoài ra, cái đầu của sán có cấu tạo rất đặc biệt.

Cần biết rằng sán trưởng thành sống ký sinh trong ruột của động vật và người. Nhưng về cơ bản, đó không phải là môi trường sống lý tưởng. Nhu động ruột liên tục co bóp, đẩy thức ăn và chất thải đi, tạo ra chấn động không nhỏ. Vậy nên, sán đã tiến hóa để bám trụ được ở chốn kém bình yên đó.

Sán lợn ai cũng sợ nhưng hỏi thật nhé: Bạn có biết sán lợn thực sự là gì không? - Ảnh 1.Phía trên là cận cảnh cái đầu của một con sán lợn (Taenia solium) – loại sán đang khiến dư luận hoang mang. Đầu của chúng có một bộ phận gọi là giác hút, cho phép chúng gắn chặt vào thành ruột và tận hưởng chất dinh dưỡng.

Một số loài sán khác có móc, một số thậm chí có cả hai. Chúng bám rất chắc, vì thế nếu không điều trị cẩn thận thì khó mà loại bỏ hết được.

2. Hình thể kinh dị: Hầu như toàn bộ cơ thể chính là sán con

Cơ thể của một con sán trưởng thành chỉ có đầu và một phần “cổ” là của nó. Phần thân còn lại là các phân đoạn ghép lại, mỗi phần lại chứa bộ phận sinh dục riêng.

Sán lợn ai cũng sợ nhưng hỏi thật nhé: Bạn có biết sán lợn thực sự là gì không? - Ảnh 2.

Khi sán muốn… dài ra, nó sẽ bổ sung thêm một phân đoạn vào gần đầu, rồi đẩy các phần cũ xuống dần. Các phần này sẽ dần trưởng thành, đẻ trứng, đưa trứng vào ruột già và rồi lọt ra ngoài môi trường khi vật chủ… đi cầu.

3. Sán cần nhiều hơn 1 vật chủ

Sán lợn ai cũng sợ nhưng hỏi thật nhé: Bạn có biết sán lợn thực sự là gì không? - Ảnh 3.

Không kể sán lợn, hầu hết các loài sán thông thường đều có vòng đời trải qua 2 – 3 vật chủ. Vật chủ đầu tiên nhiễm sán vì ăn phải trứng của chúng ngoài môi trường. Vật chủ tiếp theo nhiễm là do ăn phải thịt của vật chủ trước.

Ở mỗi vật chủ, sán sẽ phát triển lên một giai đoạn. Chúng chỉ hoàn toàn trưởng thành khi chạm đến vật chủ cuối cùng. Như với sán dây lợn, thì con người mới là vật chủ cuối cùng.

4. Không chỉ lợn và người, nhiều loài khác cũng có sán

Sán kí sinh thực chất xuất hiện trên khắp thế giới động vật. Chó, mèo, chim, cá… đều có thể nhiễm sán. Linh cẩu, hươu, nai, sói… thậm chí cả côn trùng, bọ cánh cứng… cũng nhiễm sán được luôn.

Sán lợn ai cũng sợ nhưng hỏi thật nhé: Bạn có biết sán lợn thực sự là gì không? - Ảnh 5.

5. Sán là loài “cổ” nhất thế giới

Sán không những phổ biến, mà còn là một trong những loài vật “cổ” nhất lịch sử. Theo một nghiên cứu vào năm 2013, người ta đã tìm thấy trứng sán trong mẫu phân hóa thạch của một con cá mập cổ đại từ 270 triệu năm trước.

6. Chúng có thể kiểm soát vật chủ

Sán sau khi ký sinh sẽ phải dựa vào vật chủ để có cái ăn. Nhưng một số loài sán không đơn giản là chờ đợi. Chúng bắt vật chủ phải làm theo ý của chúng.

Sán lợn ai cũng sợ nhưng hỏi thật nhé: Bạn có biết sán lợn thực sự là gì không? - Ảnh 6.
Con cá kia là một vật chủ bị nhiễm sán

Chẳng hạn như sán Schistocephalus solidus, vòng đời chúng cần đến 3 vật chủ: đầu tiên là một loài giáp xác, rồi đến cá, rồi giai đoạn cuối cùng là chim. Khi ở trong cơ thể cá, chúng bắt vật chủ phải mò ra vùng nước ấm để có thể dễ phát triển hơn. Và khi đủ lớn, chúng sẽ khiến con cá lởn vởn gần mặt nước, để chim có thể dễ dàng tấn công.

Một ví dụ khác là Anomotaenia brevis – một loài sán dây ở kiến. Chúng sẽ bắt kiến phải di chuyển chậm hơn, để chim dễ dàng săn được mỗi khi đến giai đoạn phải chuyển vật chủ.

7. Có nhiều loài sán thực sự nguy hiểm

Khi lọt vào cơ thể người, ấu trùng sán bắt đầu phát triển và tìm cách tiến vào những vùng an toàn. Đôi khi chúng trốn trong các bó cơ, nhưng có lúc làm tổ ở trên não, khiến người bệnh bị đột quỵ.

Thậm chí năm 2013, đã có trường hợp bị ung thư vì nhiễm sán tại Columbia. Các bác sĩ khi đó phát hiện ra rất nhiều khối u trong cơ thể người này, nhưng lạ ở chỗ tế bào ung thư ấy lại quá nhỏ so với cơ thể người. Các xét nghiệm sau đó phát hiện ra người này cũng nhiễm cả sán, và các tế bào ung thư là do sán mang đến.

Dù vậy cũng đừng quá lo lắng. Chuyện sán mang đến ung thư là cực kỳ hiếm, rất khó có thể xảy ra.

Tham khảo: WHO, Mental Floss