Không khí ô nhiễm ‘có thể gây béo phì’

Hãy hít thật sâu, và thở ra. Tuỳ thuộc vào nơi bạn sống, luồng không khí đó có thể khiến bạn bị béo phì và tiểu đường.

Ý kiến cho rằng ‘không khí’ có thể khiến bạn bị mập nghe có vẻ như thật là kỳ lạ, tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy điều này là có thể.

Hai người có thể ăn cùng thức ăn, tập luyện cùng các bài tập, nhưng trong thời gian vài năm, một người có thể bị béo phì và trao đổi chất không bình thường – do không khí xung quanh nơi họ sống.

Khí thải từ các phương tiện công cộng và khói thuốc lá là những yếu tố gây quan ngại hàng đầu, bởi các hạt nhỏ tí hon xả ra từ đó có thể gây sưng tấy bên trong cơ thể và làm ngăn khả năng tiêu thụ năng lượng của cơ thể.

Mặc dù các tác động về ngắn hạn là khá nhỏ, nhưng trong suốt một đời người thì điều này có thể đủ để góp phần gây ra những căn bệnh nghiêm trọng khác bên cạnh các căn bệnh về đường hô hấp liên quan đến khói bụi.

“Chúng tôi bắt đầu hiểu rằng việc hít phải khí độc hại vào cơ thể có thể gây tác động tới nhiều thứ khác nữa chứ không chỉ riêng gì phổi,” Hong Chen, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Cộng đồng Ontario và Viện khoa học Nghiên cứu Lâm sàng ở Canada, nói.

Không khí ‘bẩn’ gây tác hại tới nhiều bộ phận cơ thể

Bằng chứng từ các thí nghiệm này đáng tin tới đâu? Và liệu bạn có nên lo ngại hay không?

      

Các thí nghiệm được thực hiện trên chuột mang lại những bằng chứng rõ ràng nhất về tác động của ô nhiễm không khí đối với các bộ phận cơ thể khác ngoài phổi.

Quinghua Sun từ Đại học bang Ohio đã tìm hiểu xem vì sao những cư dân sống ở thành phố lại dễ bị bệnh tim hơn ở nông thôn.

Tất nhiên, phong cách sống là một lý do. Ở hầu hết các thành phố lớn, hệ thống các cửa hàng bán đồ ăn nhanh hiện diện khắp nơi, và điều này có thể dẫn tới thói quen ăn thức ăn không tốt cho sức khoẻ.

Tuy nhiên, ông vẫn suy nghĩ liệu vấn đề có đang nằm ở không khí mà chúng ta hít thở hàng ngày hay không.

Để hiểu hơn về điều này, ông đã nuôi chuột thí nghiệm trong những môi trường tương ứng với các thành phố khác nhau.

Một số con chuột được hít không khí sạch, còn một số khác thở những không khí thường có trên các đường cao tốc hoặc ở các trung tâm thành phố.

Nhóm nghiên cứu của Sun cân các con chuột và thực hiện các biện pháp kiểm định khác nhau để xem liệu quá trình trao đổi chất ở các con chuột này hoạt động ra sao.

Chỉ sau 10 tuần, kết quả đã được thể hiện rõ ràng:

Những con chuột sống trong môi trường ô nhiễm không khí có tỷ lệ mỡ trong người tăng cao, ở cả phần bụng cũng như các cơ quan nội tạng khác.

Các tế bào mỡ tăng hơn 20% ở những con chuột phải hít thở không khí ô nhiễm.

Bên cạnh đó, chúng còn trở nên kém nhạy cảm hơn với insulin – hormone truyền đi tín hiệu để yêu cầu các tế bào chuyển đổi đường trong máu thành năng lượng – bước đầu tiên dẫn đến bệnh tiểu đường.

Cơ chế chính xác vẫn là điều gây bàn cãi, nhưng những thí nghiệm trên chuột cho thấy ô nhiễm môi trường gây ra hàng loạt tác động với cơ thể.

Các vi hạt, nhỏ hơn 2,5 micrometre, được cho là nguyên nhân chính.

Khi chúng ta hít vào, không khí ô nhiễm sẽ tác động đến túi khí nhỏ cho phép oxygen đi tiếp vào máu.

Kết quả là phổi có phản ứng gấp, khiến hệ thống thần kinh của chúng ta bị rối loạn.

Điều này bao gồm việc giải phóng các hormone vốn có thể làm giảm lượng insulin và đẩy máu ra khỏi các mô cơ nhạy cảm trước insulin, khiến cơ thể không thể kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu.

Các hạt nhỏ này còn tạo ra một lượng lớn các phân tử gây sưng tấy gọi là ‘cytokines’ trong máu, khiến cho các tế bào miễn dịch xâm lấn ngay cả các mô khoẻ mạnh.

Không những điều này cũng tác động tới khả năng phản ứng trước insulin của các mô, tình trạng bị sưng tấy còn có thể tác động tới hormone và quy trình hoạt động trong não, Michael Jerrett từ Đại học Calirfonia, Berkeley nói.


Các nghiên cứu lớn hơn từ nhiều thành phố trên thế giới cho thấy con người có thể gánh chịu hậu quả tương tự.

Chen đã theo dõi hồ sơ y tế của 62.000 người ở Ontario, Canada, trong 14 năm.

Ông nhận ra rằng nguy cơ bệnh tiểu đường tăng 11% nếu một mét khối khí chứa 10 microgram hạt bụi, một thống kê đáng giật mình, vì ô nhiễm ở một số thành phố châu Á có thể lên tới mức ít nhất là 500 microgram trên một mét khối.

Một nghiên cứu của Thuỵ Sỹ cũng tìm thấy những dấu hiệu cơ bản của tình trạng kháng lại insulin.

‘Không khí ô nhiễm gây béo phì ở trẻ em’

Các nhà khoa học đã quan tâm đặc biệt tới hiệu ứng đối với trẻ em. Và chúng ta biết rằng người mẹ, nếu phải tiếp xúc với không khí ô nhiễm, cũng có thể tác động đến quá trình trao đổi chất của con, và khiến chúng dễ béo phì.

Một trong các nghiên cứu của Andrew Rundle từ Đại học Columbia đã được thực hiện trên các trẻ em lớn lên tại Bronx.

Trong thời gian có bầu, mẹ của những đứa bé này đeo trên người một cái túi đo chất lượng không khí trong lúc vẫn thực hiện các sinh hoạt thường nhật. Trong bảy năm tiếp theo, sức khoẻ của các bà mẹ đó sẽ được theo dõi liên tục.

Kết quả, sau khi đã tính đến các yếu tố khác như sức khoẻ và chế độ ăn uống của từng trường hợp, cho thấy những đứa trẻ sống trong các vùng ô nhiễm dễ trở nên béo phì hơn gấp 2,3 lần so với các vùng trong lành hơn.

Jerrett thì ghi nhận việc các rủi ro có thể đến từ bên ngoài hoặc ngay bên trong nhà: việc cha mẹ hút thuốc, ông nói, có thể làm các trẻ em và thiếu niên ở California bị tăng cân.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá bị ám ảnh trước những số liệu này.

“Chúng chỉ nêu lên mối liên hệ giữa việc phải tiếp xúc với bầu không khí ô nhiễm và tác động của việc đó, chứ không chứng minh được là yếu tố này dẫn tới yếu tố kia,” Abby Fleish từ Trường Y thuộc Đại học Harvard nói.

Tuy nhiên, nghiên cứu của bà cũng cho kết quả phù hợp với xu hướng chung: trong sáu tháng đầu đời, trẻ sơ sinh là con của các bà mẹ sống ở các khu vực ô nhiễm thường tăng cân nhanh hơn so với ở các vùng trong lành hơn.

Bà cũng nhấn mạnh rằng chúng ta không thể chắc rằng đã không bỏ sót một số yếu tố khác, ngoài tình trạng ô nhiễm, vốn có thể giúp giải thích mối liên quan rõ ràng.

Rất may là một số nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm những thông tin còn thiếu để chúng ta có được những nghiên cứu chi tiết hơn.

Robert Brook từ Đại học Michigan và các đồng nghiệp ở Trung Quốc đã thử nghiệm trong thời gian hai năm với một nhóm nhỏ các đối tượng ở Bắc Kinh.

Họ nhận thấy rằng mỗi khi bầu không khí ô nhiễm bao phủ thành phố, các dấu hiệu như kháng insulin và tăng huyết áp tăng cao – cho thấy bằng chứng rõ ràng về việc chất lượng không khí có tác động trực tiếp đến những thay đổi trong quá trình trao đổi chất.


Vậy nếu mối liên quan này được chứng minh, liệu chúng ta có cần phải lo lắng không?

Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng đối với từng cá nhân thì các nguy cơ phát sinh trong thời gian ngắn hạn là tương đối nhỏ, và những người béo phì không thể lấy chuyện ô nhiễm môi trường làm lý do biện minh cho tình trạng béo phì của mình.

Tuy nhiên, đối với những người sống dài hạn ở các thành phố bị ô nhiễm, tác động sẽ là rất lớn, Brook nói.

“Việc phải tiếp xúc bắt buộc với bầu không khí ô nhiễm đang diễn ra một cách liên tục đối với hàng tỷ người, cho nên mức độ ảnh hưởng sẽ là rất lớn.”

Giải pháp thường rất đơn giản nhưng khó thực hiện: Ngăn chặn khí thải từ phương tiện giao thông bằng các khuyến khích xe chạy điện.

Về ngắn hạn, ông tin rằng những máy lọc không khí cần được đặt ở nhà, trường học và văn phòng để lọc ra những hạt độc hại.

Brook đồng ý rằng các hành động cần được thực hiện ở cấp quốc tế, cả ở những nơi đang phát triển lẫn ở các thành phố như Paris, London, nơi có vẻ như đã kiểm soát được tình trạng ô nhiễm.

“Ở Bắc Mỹ và châu u, mức độ ô nhiễm đang được kiểm soát đúng hướng, nhưng chúng ta không được ngủ quên trên chiến thắng,” ông nói.

“Nếu nói đến việc cải thiện chất lượng sức khoẻ cho con người trên toàn cầu, đây phải là một trong 10 điều chúng ta cần quan tâm nhất.

Nguồn: BBC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *